NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI BẢNG GIÁ MÁY XÂY DỰNG TRONG THỜI GIAN TỚI
21/07/2021
Thế giới bắt đầu thích nghi và vận hành theo các biến động của đại dịch Covid-19. Đại dịch này đã và đang tác động đến hoạt động của rất nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có cả ngành xây dựng. Mang đến hàng loạt những khó khăn và thách thức cho các doanh nghiệp xây dựng và doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Vậy trong năm thời gian tới, đâu sẽ là những yếu tố ảnh hưởng tới bảng giá máy xây dựng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây!
Lưu ý, bài viết dưới đây mang tính chất tham khảo theo góc nhìn cá nhân!
HIỆN TRẠNG NGÀNH XÂY DỰNG TẠI VIỆT NAM NĂM 2020
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, những khó khăn chủ yếu trong năm 2020 đối với ngành này đến từ những gián đoạn, bất ổn do dịch bệnh. Trong đó, biến động về giá nguyên vật liệu sản xuất tiếp tục là một trong những khó khăn hàng đầu đối với 66,7% số doanh nghiệp xây dựng và 71,4% số doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Tốc độ tăng giảm giá trị tăng thêm ngành xây dựng giai đoạn 2011 - 2020
Yếu tố thiên tai, thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của 58,3% doanh nghiệp xây dựng, thêm nữa, những giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh cũng ảnh hưởng rất lớn đến lực lượng lao động và tâm lý của người lao động, khiến cho tình hình càng trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, một số vấn đề còn tồn đọng trong giai đoạn trước như số lượng dự án được phê duyệt giảm, thủ tục hành chính, giấy tờ pháp lý hay quá trình triển khai đấu thầu, tình trạng thiếu vốn… cũng gây ra lực cản không nhỏ đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI BẢNG GIÁ MÁY XÂY DỰNG TRONG THỜI GIAN TỚI
Yếu tố thứ 1: Nguồn cung nguyên vật liệu đang thiếu hụt trên toàn cầu
Hiện tại nguồn cung cấp nguyên vật liệu trên thế giới đang khan hiếm trầm trọng. Đến từ nhiều tác nhân như:
- Nhà máy Formosa tại Đài Loan đang hoạt động thiếu công suất, dưới 27% công suất thiết kế. Còn tại Formosa Hà Tĩnh (Việt Nam) thì có mức hoạt động dưới 40% công suất thiết kế. Lý do chính bắt nguồn từ tình hình chiến sự căng thẳng tại Đài Loan và Trung Quốc về tranh chấp trên biển. Nó cũng khiến các tàu bè giao thương bị ảnh hưởng, di chuyển chậm.
- Căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan leo thang kể từ khi bà Thái Anh Văn thắng cử vào tháng 3.2016. Đài Loan có nhiều công ty công nghệ lớn như công ty chế tạo chất bán dẫn lớn nhất thế giới là TSMC và công ty phát triển, thiết kế vi mạch MediaTek, trong khi nguy cơ công nghệ lọt vào tay Trung Quốc đại lục đang ngày càng trở thành vấn đề đáng lo ngại.
- Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ cũng không mấy khả quan khi mà Trung Quốc đã và đang trả đũa Mỹ để sức ép. Cắt nguồn cung cấp khiến nguồn cung toàn cầu bị đứt gẫy, giá nguyên vật liệu xây dựng cũng vì thế mà tặng vọt.
- Việc Trung Quốc cắt nguồn cung, thiếu hụt chất bán dẫn (linh kiện điện tử) trên toàn cầu. Vì vậy không thể sản xuất các phụ kiện điện lắp đặt trong máy móc. Ví dụ cho hậu quả điển hình cho việc này Ford đã phải đóng cửa 2 nhà máy vì không đủ chip bán dẫn. Tương tự, Hyundai cũng phải đóng cửa 3 nhà máy.
- Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ được xem là quốc gia cung cấp nguyên vật liệu lớn. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh hiện đang gia tăng tại đất nước này gây ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng sản xuất, cung ứng. Tương tự đối với các nước khác như Thái Lan, Myanmar...
- Một số các tác nhân khác ảnh hưởng tới nguồn cung như chiến sự Trung Đông, tác động không nhỏ tới eo biển Hormuz. Eo biển này đóng vai trò quan trọng bậc nhất với ngành dầu mỏ thế giới, có nguy cơ dẫn tới xung đột giữa Washington và Tehran. Eo biển Hormuz nằm giữa vịnh Ba Tư và vịnh Oman là thành phần quan trọng trong chiến lược đối phó với Mỹ của Iran. Đây là tuyến hàng hải duy nhất kết nối các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới như Kuwait, Bahrain, Iran, Iraq và Các tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE) với Ấn Độ Dương, cũng là tuyến đường chở phần lớn khí thiên nhiên hóa lỏng từ Qatar.
Eo biển Hormuz là tuyến hàng hải duy nhất kết nối các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới
Sản lượng dầu vận chuyển qua eo biển Hormuz mỗi ngày từ năm 2014 - 2018 theo số liệu của EIA
- Do nền kinh tế toàn cầu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung dầu mỏ, việc Iran phong tỏa eo biển Hormuz dù chỉ trong thời gian ngắn cũng có thể làm giá dầu thế giới tăng đáng kể, đồng thời khiến nền kinh tế toàn cầu chịu hậu quả nghiêm trọng. Các nước Trung Đông vẫn có những tuyến vận chuyển dầu dự phòng, nhưng chúng khó lòng thay thế hoàn toàn các đoàn tàu chở dầu qua Hormuz.
- Và theo các chuyên gia kinh tế dự báo, chu kỳ siêu tăng giá sẽ rơi từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2021. Và khả năng nguồn cung cầu được cân bằng lại trên thế giới là rất khó. Giả thuyết thời gian để ổn định lại các bất ổn cần trung bình ít nhất từ 1.5 năm.
Yếu tố thứ 2: Nguồn cầu tăng cao
Covid-19 khiến Việt Nam phải tung tiền vào các chính sách tài khóa. Có thể hiểu đây là chính sách chi tiêu của chính phủ, chi tiêu đầu tư công vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá. Song song đó, các doanh nghiệp xoay vật liệu xây dựng, thiết bị xây dựng, xe chuyên chở và thuê công nhân.
Top 6 rào cản ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp Xây dựng - Vật liệu xây dựng trong năm vừa qua
Mục đích chính của các chính sách này là chính phủ muốn kích cầu để giữ cho tăng trưởng trong nước được dương, nhằm ổn định an sinh xã hội. Cụ thể thông qua một số phương án như:
- Cuối năm 2019 đến đầu 2020 bộ xây dựng đã ký chấp thuận rất nhiều các dự án nhằm ổn định tâm lý và tạo công an việc làm cho người lao động:
- Sửa chữa 2 sân bay lớn nhất là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
- Khởi công đường cao tốc Bắc Nam.
- Yêu cầu tất cả mọi người chi tiêu vốn ngân sách.
- Phê duyệt ồ ạt các dự án đang nằm trên giấy như: cao tốc từ TpHCM đi Tây Ninh, cao tốc từ TpHCM đi Buôn Ma Thuật, cao tốc từ Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng). Còn có các tuyến đường ngang dọc ven biển. Tích cực triển khai sân bay Long Thành, Phan Thiết.
Trong ngành xây dựng, để được thanh toán thì cần phải giải ngân. Nguyên tắc giải ngân dự án đầu tư công là phải có khối lượng thực hiện nhưng khâu này tại Việt Nam lại là một chuỗi liên hoàn phức tạp. Ví dụ giải pháp giải ngân thanh toán đơn giản là các doanh nghiệp buộc lòng phải đề xuất mua máy, thiết bị xây dựng.
Từ cuối năm 2020 đến đầu 2021, thông qua các chính sách kích cầu của chính phủ đã giúp cho thị trường ngành máy xây dựng diễn ra rất sôi động. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nào mới bắt đầu mua máy ở hiện tại đa phần sẽ không còn chính sách tốt, mà giá lại cao.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thường không có kế hoạch mua máy hợp lý, một số mua ồ ạt khi có ngân sách. Điều này vô tình khiến tất cả các nhà cung cấp máy bị thiếu động loạt, không có máy dự trữ và hệ quả là giá máy tăng cao, kể cả máy cũ.
Theo thông tin, hàng hóa vận chuyển từ Nhật về Việt Nam thường chậm, nhiều khi phải mất 2.5 tháng. Việc số chuyến vận chuyển giảm do dịch bệnh cũng khiến nguồn cầu gặp nhiều khó khăn.
Việc chênh nhau qua nhiều giữa nguồn cung và nguồn cầu cũng là tác nhân đẩy giá sản phẩm lên cao. Hiện tại, tất cả các hãng sản xuất máy xây dựng đang điều chỉnh giá máy, giá nguyên liệu đầu vào tăng 20%, vì vậy giá máy sẽ tăng 8%. Đây cũng sẽ là tin vui cho những doanh nghiệp có chính sách mua máy hợp lý, dự trữ máy trước thì ổn, còn các đơn vị chưa dự đoán tốt sẽ bước vào chu kỳ tăng giá.
Ngoài ra, giá còn bị biến động bởi tỉ giá, giá nhân công, nguyên liệu tăng, cộng thêm cả giá vận chuyển. Những yếu tố này cộng với nhau cùng với tỷ giá khiến máy đi về Việt Nam trở nên rất cao, thậm chí là tăng theo cấp số nhân.
Việc tăng giá nguyên vật liệu cũng khiến các doanh nghiệp ký thầu bị ảnh hưởng bởi giá nên bị lỗ. Khảo sát thị trường cho thấy, từ cuối năm 2020, nhiều DN sản xuất thép như: Thép Thái Nguyên, Thép miền Nam, Pomina, Việt Đức, Tungho, Kyoei... đã bắt đầu tăng giá bán thép các loại. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, giá thép được liên tục điều chỉnh báo giá, có khi trong 1 tuần thay đổi vài lần giá bán.
Không chỉ sắt thép mà trên thị trường, các loại vật liệu khác như: cát, sỏi, xi măng cũng đồng loạt tăng. Nhiều đại lý kinh doanh xi măng nhận được thông báo của các nhà máy sản xuất về việc điều chỉnh giá bán như xi măng Hoàng Long tăng 40 ngàn đồng/tấn, xi măng Xuân Thành tăng 40 ngàn đồng/tấn đối với sản phẩm bao rời, xi măng Bỉm Sơn tăng 30 ngàn đồng/tấn từ ngày 21-4… Cát sỏi xây dựng cũng tăng giá mạnh ở hầu khắp các tỉnh, thành nhất là các địa phương có nhiều sông ngòi, địa điểm khai thác cát ở Đồng bằng sông Cửu Long… Cát xây dựng ngày càng khan hiếm, việc khai thác gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp muốn mua số lượng lớn hay ít đều phải đặt hàng trước, có khi phải đặt trước cả tháng.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, trong ngắn hạn, tình hình giá vật liệu xây dựng vẫn còn rất căng thẳng. Có thể phải đến tới giữa năm, thậm chí cuối năm, giá các loại nguyên vật liệu phục vụ xây dựng và trang trí nội thất mới có thể giảm xuống và duy trì ổn định. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang khó lường nên không có gì chắc chắn. Do vậy, cả các doanh nghiệp bán buôn vật liệu xây dựng lẫn các chủ thầu, nhà đầu tư vẫn phải tự tìm các giải pháp để khắc phục.
Đối với ngành ô tô thì bắt đầu từ năm 2022, chúng ta phải nhập động cơ Euro 5, giá mắc hơn với Euro 4. Tuy nhiên hiện tại các xe Hyundai ở Hàn Quốc đang chỉ sản xuất Euro 4 và Euro 6, mà giá của các xe Euro 6 lại rất đắt. Chính vì vậy các đơn vị buộc lòng phải nhập máy móc Euro 5 từ Trung Quốc.
Các công trình điện gió cũng đang gặp khó khăn trong việc triển khai, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy nhà nhập khẩu mua cần cẩu lớn, bê tông. Điển hình là các doanh nghiệp sản xuất bê tông thương phẩm phải ồ ạt đi đặt máy, trạm trộn. Làm tổng nhu cầu tăng, thiếu trầm trọng xe bồn, các xe Hyundai, Hino thiếu mà giá xe Trung Quốc tăng.
Trụ điện gió đầu tiên tại Đắk Nông đang được khởi công xây dựng
Năng lực xay có hạn, cát không cho khai thác ảnh hưởng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới nguồn cung.
CƠ HỘI NÀO CHO NGÀNH XÂY DỰNG VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong thời gian tới, theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam sẽ có tiềm năng to lớn trong việc phát triển ngành xây dựng - vật liệu xây dựng. Từ nhiều phương án như:
- Nút thắt trong chính sách Bất động sản - Xây Dựng - Vật liệu xây dựng được gỡ bỏ. Các cơ quan quản lý nhà nước đã có những động thái tích cực trong việc giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính và sự chồng chéo luật pháp khiến thị trường chững lại trong giai đoạn 2019 - 2020.
- Khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt, cùng sức chịu đựng và khả năng phục hồi kinh tế. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 chỉ đạt 2,91% - mức thấp nhất trong 10 năm qua. Nên kinh tế như chiếc lò xo bị nén lại suốt một năm gián đoạn hoạt động do dịch bệnh nay đã sẵn sàng bật tăng trở lại. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2021. Đây là mức tăng trưởng khá thách thức nhưng cũng mang tính khả thi. Thực tế, GDP quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy về cơ bản, nền kinh tế Việt Nam đang đi theo đúng hướng đã dự báo
- Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam. Việt Nam có những lợi thế nhất định trong việc thu hút dòng vốn FDI khi hội tụ nhiều yếu tố như tăng trưởng GDP ổn định, kinh tế - xã hội - chính trị ổn định và đất nước, con người vươn lên...
- Kể từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 1/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần cắt giảm lãi suất điều hành (vào tháng 3, tháng 5 và tháng 10 năm 2020) nhằm vực dậy nền kinh tế. Việc này đã giảm áp lực chi phí dự phòng cho Các ngân hàng và giảm chi phí lãi vay cho khách hàng.
Triển vọng thị trường toàn ngành Bất động sản - Xây Dựng - Vật liệu xây dựng trong năm 2021
Ngoài ra, cơ hội dành cho kinh tế Việt Nam còn liên quan đến biến động lớn về dịch chuyển nhà máy sản xuất của thế giới ra khỏi Trung Quốc, mở rộng khả năng cung ứng ra toàn thế giới. Tuy nhiên chi phí di dời dịch chuyển là rất lớn. Và việc chọn quốc gia có khả năng sản xuất cần phải đáp ứng các yêu cầu lý tưởng như:
- Quốc gia đó có đường bờ biển dài và liền mạch.
- Hệ thống cảng biển phát triển, với nhiều cảng nước sâu. Điển hình là các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Philippines, Indonesia,…
- Chắc chắn Việt nam sẽ là sự lựa chọn hàng đầu bởi nước ta đáp ứng tốt rất nhiều yếu tố: từ kiểm soát dịch tốt, chính trị ổn định, có nhiều cảng nước sâu, hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối tốt để vận chuyển hàng hóa quốc gia.
- Đây cũng chính là cơ hội lớn khi mà các doanh nghiệp chuyển về Việt nam để xây dựng. Lúc này cần cảng nước sâu, sân bay quốc tế, đường liên kết giữa cảng nước sâu, sân bay và đường cao tốc. Vì vậy nhu cầu xây dựng tại Việt Nam trong nhiều năm tới sẽ rất lớn. Kéo theo sự phát triển nhanh chóng của ngành xây dựng.
Trên đây là những phân tích cá nhân về tình hình kinh tế cũng như các yếu tố ảnh hưởng tới giá xây dựng trong thời gian tới. Hy vọng bài viết mang lại cho bạn nhiều thông tin bổ ích!